QUÁ TRÌNH THỬ NẾM RƯỢU VANG

 

Thử nếm rượu vang là quá trình phân tích những cảm giác mà bạn nhận được khi nếm rượu vang rồi sau đó là sự diễn đạt cảm giác đó bằng ngôn ngữ cụ thể, chính xác và thích hợp. Nói một cách khác là phân giải những cảm giác cho phép bạn đánh giá chất lượng của chai rượu. Thử nếm rượu vang được chia ra làm 3 giai đoạn nhờ 3 giác quan chính: mắt, mũi và miệng.

GIAI ĐOẠN I: QUAN SÁT BẰNG MẮT

 

Bước 1: Quan sát rượu xung quanh thàn ly

Nghiêng ly rượu sang một bên để dễ dàng quan sát màu rượu chuyển từ trung tâm sang thành ly. Luôn để ly rượu trước nền trắng để dễ quan sát một cách trung thực nhất màu và độ trong của rượu. Rượu trắng sẽ trở nên đậm màu hơn khi trưởng thành còn rượu đỏ trông sẽ hơi nâu và có những cặn rượu màu đỏ đậm dưới đáy chai hoặc đáy ly.

Lúc này là thời điểm lý tưởng để ngửi rượu, so sánh với mùi sau khi lắc và cũng là lúc phát hiện ra những mùi ôi của rượu hỏng.

 

Bước 2: Quan sát độ sánh

Quan sát những giọt rượu bám trên thành ly rơi xuống nhanh hay chậm. Rượu càng sánh thì càng chảy chậm. Điều này cho thấy hàm lượng đường trong quả nho cao sẽ cho ra những chai rượu có lượng cồn cao.

GIAI ĐOẠN II: GIAI ĐOẠN NGỬI

 

Giai đoạn này rất quan trọng. Bước đầu, ngửi rượu bất động trong ly. Sau đó, lắc ly rượu làm cho bề mặt rượu tiếp xúc với không khí. Sự tác động của oxy với rượu làm cho rượu bốc tỏa phát huy hết hương vị của nó.

Tiếp đến đưa hẳn ly lên mũi, hít mạnh để cảm nhận những hương vị đó. Nếu cần bạn có thể lặp đi lặp lại động tác này nhiều lần. Tiếp đó, là đánh giá sự đậm đặc hay nhạt nhẽo của hương vị, chất lượng hương vị và xuất xứ của hương vị đó.. Hương vị có trong rượu được chia ra làm 8 nhóm:

+ Mùi quả
+ Mùi hoa
+ Mùi cỏ, mùi rêu
+ Mùi hóa chất
+ Mùi gia vị
+ Mùi da thú
+ Mùi các chất rang cháy, chất cháy
+ Mùi nhựa cây

GIAI ĐOẠN III: GIAI ĐOẠN NẾM

 

Đây là giai đoạn cuối, cho phép xác định chính xác “ hương vị rượu ” và sự hài hòa giữa 3 yếu tố cấu thành của rượu vang: chất chua, chất ngọt – chất béo và chất chat.

 

+ Bắt đầu nếm:  nhấp 1 ngụm rượu nhưng không nuốt vội. Đảo rượu xung quanh miệng để có thể cảm nhận được hết vị ngọt, mặn, chua, chát cũng như các cảm giác đắng, cay hay độ cồn cao.

 

+ Nếm: Lấy khí đi qua rượu. Cong lưỡi lên như khi huýt sáo. Hút khí qua miệng và thở ra bằng mũi để cảm nhận hương thơm tỏa ra. Bởi vì chỉ có mũi mới cảm nhận được hương thơm của rượu. Tuy nhiên, Enzyme và nước bọt làm thay đổi một số hợp chất thơm của rượu. Bằng cách lấy khí đi qua rượu, bạn sẽ cảm nhận được một số mùi hương thơm mới lạ do sự tiếp xúc của rượu với khoang miệng.

 

+ Sau nếm: phân tích hương vị xem có hài hòa hay khó chịu và thời gian hương vị đọng lại ở trong miệng.